aCảm xúc là biểu hiện của trạng thái tâm lí vốn có thường ngày của tất cả chúng ta. Cảm xúc trong từng ngày thay đổi tùy thuộc vào tâm trạng, hoàn cảnh cụ thể. Khi là giao tiếp sư phạm cảm xúc của chúng ta ảnh hưởng rất lớn đến học sinh. Giáo viên có hành động cương quyết cứng rắn quá không thể mang đến những hiệu quả giáo dục cao ngược lại nhưng những hành động mềm yếu quá lại khiến giáo viên trở thành người nhu nhược, không có uy trước học sinh. Vậy thì làm cách nào để cảm xúc của chúng ta trở thành một kênh giáo dục học sinh hiệu quả, có tác dụng tích cực là một vấn đề rất khó.
Nếu chúng ta không điều chỉnh được cảm xúc có thể dẫn đến những hành vi, lời nói xúc phạm đến lòng tự trọng của học sinh và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Các em không thích mình bị phê bình trước đám đông nhất là bạn bè mình và luôn có suy nghĩ rằng lỗi của mình bé tí thế mà cô giáo cũng phê bình và có tâm lí đổ lỗi cho hoàn cảnh. Khi được trao đổi, phê phán với một cảm xúc hết sức tình cảm, chân thành, có hướng dẫn cách khắc phục sự việc thường có tác động tích cực đến sự ăn năn, hối lỗi của học sinh. Lời nói và hành động phải có lúc là mệnh lệnh, có lúc lại mềm dẻo theo hoàn cảnh để học sinh cảm thấy kính trọng nhưng quý mến thầy cô. Do vậy, để kiểm soát được cảm xúc, người giáo viên nên làm theo các nguyên tắc sau:
- Hãy luôn luôn nhìn học sinh bằng thái độ tích cực và nhân ái, bạn sẽ tránh được những cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong tâm hồn, tránh để cảm xúc ấy điều khiển hành vi của mình. Hãy cố gắng tìm những điểm tốt của học sinh. Sẵn sàng tuyên dương khi học sinh làm được việc tốt sẽ tạo sự gần gũi giúp học sinh tin yêu và chia sẻ cảm xúc với giáo viên. Tin tưởng vào sự hướng thiện của học sinh.
- Dồn nén, kiềm chế cảm xúc nóng giận để tránh cả giận mất khôn. Không nên hành động khi cảm xúc tràn đầy, có thể tạm thời tránh mặt để cho tâm trạng mình “hạ hỏa” rồi mới gặp gỡ học sinh. Cần học cách kiểm soát cảm xúc, học cách điềm tĩnh, vị tha, học làm người cư xử có văn hóa.
- Trong những trường hợp cần thiết cũng phải bộc lộ cảm xúc tiêu cực để thể hiện cái uy của người giáo viên trên nguyên tắc giao tiếp sư phạm: bao dung, độ lượng, kiên trì, linh hoạt, tôn trọng nhân cách của học sinh, đồng cảm với hoàn cảnh của học sinh, cư xử có văn hóa không được phép xâm phạm đến thân thể, xúc phạm đến nhân phẩm của học sinh và gia đình học sinh
- Tập trung vào vấn đề cần giải quyết hơn là tranh cãi. Tốt hơn là dừng ngay việc phàn nàn và tìm lỗi. Hãy ưu tiên cho việc tìm phương án giải quyết để hạn chế hậu quả của vấn đề có thể gây ra.