1. Mục tiêu
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hàng ngày tại trường, phấn đấu đến năm 2020 trên 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa theo chương trình Sữa học đường, góp phần giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em thành phố Hà Nội.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp.
2. Đối tượng, định mức và thời gian thụ hưởng
- Đối tượng thụ hưởng: Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội được phụ huynh tự nguyện tham gia.
- Thời gian thụ hưởng: Theo năm học, từ năm học 2018 - 2019 đến hết năm 2020.
- Định mức thụ hưởng: Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 05 lần/tuần trong 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.
3. Nguồn kinh phí thực hiện
- Ngân sách hỗ trợ 30% (đối với 10 quận tự cân đối ngân sách[1]: Ngân sách quận đảm bảo kinh phí hỗ trợ; đối với 20 quận, huyện, thị xã còn lại: Ngân sách Thành phố bổ sung kinh phí để thực hiện hỗ trợ), doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ ít nhất 20%, phụ huynh học sinh đóng góp không quá 50% Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo; học sinh là người dân tộc thiểu số; học sinh thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí: Doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%; Ngân sách Thành phố hỗ trợ: 50%.
4. Giá sữa
Đơn giá 01 hộp sữa tạm tính là 6.875 đồng/hộp = 180ml (có thuế giá trị gia tăng), sẽ không tăng trong suốt thời gian thực hiện Đề án (nếu giá 01 hộp sữa trên thị trường giảm thì đơn vị cung cấp sữa sẽ giảm giá). Giá thực tế của sản phẩm thực hiện Đề án theo giá trúng thầu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
5. Chất lượng sữa: Sữa được dùng trong chương trình Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng, có đường hoặc không đường, đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế
Việc xây dựng và triển khai Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn (2018 – 2020) là nhu cầu cấp thiết để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, Ngành, thể hiện sự quan tâm chăm sóc trẻ em của cả hệ thống chính trị, của cha mẹ hoặc người giám hộ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội; tăng cường cung cấp kiến thức khoa học, thay đổi nhận thức về dinh dưỡng hợp lý cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ, cho cộng đồng, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Hà Nội đáp ứng nhu cầu chiến lược phát triển kinh tế xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Đề nghị các phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện theo Thông báo số 3396/TB-SGDĐT ngày 10/8/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tài liệu tham khảo: CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Thực trạng dinh dưỡng và một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng lứa tuổi mầm non, tiểu học tại Hà Nội
Trong những năm qua, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền từ thành phố đến xã, phường quan tâm chỉ đạo, đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Thành phố; chính quyền các cấp, các Sở, ngành đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp, huy động xã hội hiệu quả, đưa tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi giảm đáng kể góp phần quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về giảm tỷ lệ SDD trẻ em, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, để nâng cao tầm vóc của người dân, Thủ đô Hà Nội cần có nhiều giải pháp về chỉ đạo điều hành, cơ chế chính sách, nguồn lực, chuyên môn, kỹ thuật tập trung cải thiện các vấn đề dinh dưỡng sau ở trẻ em:
Một là: Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi còn cao nhất là ở những vùng khó khăn (gấp 2 lần thành phố Hồ Chí Minh), để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em. Giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em sẽ trực tiếp góp phần cải thiện tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân Thủ đô trong tương lai.
Hai là: Hiện tượng gia tăng nhanh chóng tình trạng thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường tại Hà Nội trở thành gánh nặng kép về dinh dưỡng..
Ba là: Thiếu vi chất dinh dưỡng như: Vitamin A, vitamin D, thiếu máu thiếu sắt, thiếu kẽm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể lực, đặc biệt là chiều cao và quá trình dậy thì bình thường của trẻ.
Nguyên nhân chính là do chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực không hợp lý, phương pháp chăm sóc chưa khoa học, chế độ ăn mất cân đối, chất lượng các bữa ăn chưa đáp ứng đủ chất dinh dưỡng để phát triển tối đa tiềm năng của trẻ, chưa chọn lựa và sử dụng thực phẩm có lợi cho sức khỏe. lối sống tĩnh tại ít vận động thể lực, thiếu khu vui chơi luyện tập thể thao, trẻ chưa được uống sữa hàng ngày hoặc uống sữa chưa đúng với quy định của ngành Y tế; sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc nuôi dưỡng trẻ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng chưa thường xuyên…
2. Cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng Đề án
- Từ năm 1975 đến năm 2010, chiều cao trung bình của người Việt Nam trưởng thành đã tăng 4cm nhưng vẫn thấp hơn so với chiều cao trung bình của thế giới 12,4cm ở nam và 10,4cm ở nữ; so với các quốc gia trong khu vực, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam thấp hơn Singapore 6-7cm, Quảng Tây - Trung Quốc 3cm.
- Những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thể lực và tầm vóc con người là: Dinh dưỡng (31%), di truyền (23%), rèn luyện thể thao (20%), môi trường và tâm lý xã hội (16% và 10%). Kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học: Gen ty thể của người Việt Nam giống gen ty thể của người Trung Quốc, Nhật Bản, chiều cao trẻ sơ sinh không thua kém trẻ sơ sinh các quốc gia trong khu vực nhưng đến 18 tuổi người Việt Nam thấp hơn rõ rệt là do dinh dưỡng chưa đủ, chưa hợp lý, chưa nắm được quy luật lứa tuổi nên chưa phát huy hết tiềm năng di truyền của trẻ.
- Theo Viện Dinh dưỡng, giai đoạn tiền học đường và học đường: là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ; là giai đoạn tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì; giai đoạn có sự biến đổi nhanh cả về thể chất và tâm lí, nhưng cũng dễ mắc các bệnh liên quan đến dinh dưỡng. Dinh dưỡng lứa tuổi học đường đóng vai trò then chốt ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai, trong đó chất đạm, chất béo và vi chất dinh dưỡng là những yếu tố chính tác động đến phát triển tầm vóc. Nắm bắt cơ sở khoa học này, từ thế kỷ XX, Nhật Bản đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: Chú trọng dinh dưỡng cho trẻ em từ bào thai đến 5 tuổi, triển khai Chương trình Sữa học đường, tổ chức tốt bữa ăn học đường...Sau 30 năm, chiều cao trung bình thanh niên Nhật Bản tăng 10 cm. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới và một số tỉnh thành trên cả nước (Bà Rịa- Vũng Tàu, Nghệ An, Đồng Nai, Kon Tum, Hà Nam, Bắc Ninh…) đã và đang triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường.
- Nhiều công trình nghiên cứu và bằng chứng khoa học đã chứng minh sữa tươi là thực phẩm bổ dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu có khả năng giúp con người phát triển thể lực, giảm các bệnh tim mạch, huyết áp, giảm stress...Thành phần sữa cân đối, giầu protein chất lượng cao cần thiết, các chất béo có lợi và chứa đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần cho cơ thể, đặc biệt vitamin D và canxi, photpho, kẽm giúp xương phát triển tốt và tăng chiều cao. Vì vậy, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế khuyến nghị trẻ em cần được uống sữa hàng ngày theo Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016 (tháp dinh dưỡng cho trẻ 3-5 tuổi và 6-11 tuổi).
[1] Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm.