Giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh (HS)
là một việc làm rất quan trọng và cần thiết. Điều đó giúp các em tự tin, chủ
động xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống. Vậy, làm thế nào để chúng
ta rèn KNS cho HS?
Để học sinh tham gia làm đẹp bồn hoa, cây cảnh nơi trường - lớp
cũng là một cách giáo dục KNS
Chúng tôi nghĩ có nhiều
phương pháp, nhiều cách thức để thực hiện việc này. Nhưng trong bài viết này,
chúng tôi xin giới thiệu việc rèn KNS cho HS thông qua hoạt động ngoài giờ lên
lớp (HĐNGLL).
1. Trước hết chúng ta cần tìm hiểu KNS là gì?
KNS là năng lực tâm lý xã hội giúp cá nhân giải quyết có hiệu quả những nhu cầu
và thách thức của cuộc sống. Như vậy, giáo dục KNS là làm sao trang bị cho HS
những kiến thức, kỹ năng về cuộc sống để các em có thể thích ứng với cuộc sống,
để có thể tự mình xử lý mọi tình huống trong thực tế một cách tốt nhất. Đối với
HS bậc tiểu học thì HĐNGLL có ý nghĩa rất quan trọng trong việc rèn luyện KNS.
Về nhiệm vụ, HĐNGLL có
ba nhiệm vụ, đó là: củng cố tăng cường nhận thức; bồi dưỡng thái độ, tình cảm
và hình thành hệ thống kỹ năng, hành vi.
Ở đây chúng tôi chỉ bàn về nhiệm vụ hình thành
hệ thống kỹ năng, hành vi. Nhiệm vụ này nhằm rèn cho HS những kỹ năng thực hiện
các công việc lao động đơn giản, các kỹ năng sáng tạo nghệ thuật, thực hiện các
bài thể dục, các trò chơi, các hành vi ứng xử đối với mọi người trong gia đình,
trong nhà trường và trong xã hội. Những kỹ năng tham gia hoạt động tập thể, kỹ
năng tổ chức những hoạt động chung cùng nhau, biết phối hợp với mọi người cùng
thực hiện hoạt động chung, nâng cao ý thức tự chủ, tự tin, chủ động và giao
tiếp với mọi người. Dựa vào những kỹ năng, hành vi này để rèn luyện những kỹ
xảo, thói quen đạo đức bền vững và tự quản trong sinh hoạt tập thể. Như vậy,
chúng ta phải biết tận dụng và phát huy nhiệm vụ này của HĐNGLL để góp phần rèn
luyện KNS cho HS.
2. Làm thế nào để thực hiện được điều đó? Sau
đây là một số hoạt động nhằm thực hiện điều đó.
Hoạt động văn hóa nghệ
thuật:
Đây là một loại hình hoạt động quan trọng, không thể thiếu được trong sinh hoạt
tập thể của trẻ em, nhất là HS tiểu học. Hoạt động này bao gồm nhiều thể loại
khác nhau: Hát, múa, thơ ca, kịch ngắn, kịch câm, tấu vui, độc tấu, nhạc cụ,
thi kể chuyện… Các hoạt động này góp phần hình thành cho các em kỹ năng mạnh
dạn, tự tin trước đám đông. Đây là một trong những kỹ năng rất quan trọng trong
xu thế toàn cầu hóa.
Hoạt động vui chơi giải
trí, TDTT:
Vui chơi, giải trí là nhu cầu thiết yếu của trẻ, đồng thời là quyền lợi của các
em. Nó là một loại hoạt động có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với HS ở trường
tiểu học. Hoạt động này làm thỏa mãn về tinh thần cho trẻ em sau những giờ học
căng thẳng, góp phần rèn luyện một số phẩm chất: tính tổ chức, kỉ luật, nâng
cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái… Nói về hoạt động
này thì hầu hết các trường có tổ chức thực hiện nhưng xét về tính hiệu quả thì
không phải nhà trường nào cũng đạt được. Sở dĩ như thế là do điều kiện về cơ sở
vật chất cũng như trình độ chuyên môn của tổng phụ trách chưa thể đáp ứng được.
Nhưng dù sao chúng ta cũng phải nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này
để hướng hoạt động đạt mục tiêu đã đề ra.
Hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT góp phần rèn luyện KNS cho trẻ.
Hoạt động xã hội: Bước đầu đưa HS vào
các hoạt động xã hội để giúp các em nâng cao hiểu biết về con người, đất nước,
xã hội. Đây là một hoạt động tuy khó nhưng nó mang một ý nghĩa vô cùng to lớn.
Thông qua hoạt động này, các em sẽ được bồi dưỡng thêm về nhân cách, đặc biệt
là tình người. Trong thực tế, hoạt động này đã được các nhà trường tiến hành
tương đối tốt. Nhưng, theo chúng tôi, hoạt động này phải được khai thác một
cách triệt để nhằm phát triển tối đa nhân cách ở các em.
Hoạt động lao động công
ích: Đây là một loại hình
đặc trưng của HĐNGLL. Thông qua lao động công ích sẽ giúp các em gắn bó với đời
sống xã hội. Ngoài ra lao động công ích còn góp phần làm cho trẻ hiểu thêm về
giá trị lao động, từ đó giúp trẻ có ý thức lao động lành mạnh. Lao động công
ích giúp trẻ vận dụng kiến thức vào đời sống như: Trực nhật, vệ sinh lớp học,
sân trường, làm đẹp bồn hoa, cây cảnh cho đẹp trường, lớp. Đây là hoạt động
tưởng như là thường xuyên nhưng thật ra trong nhà trường bây giờ HS rất ít được
tham gia các hoạt động này. Có chăng chỉ là ép buộc và hình thức. Nhưng đây là
hoạt động thật sự cần thiết giúp các em thích nghi với cuộc sống xung quanh.
Sau này dù có rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt nào thì các em vẫn có thể tồn tại
được. Đó là nhờ các em biết lao động.
Hoạt động tiếp cận khoa
học - kĩ thuật: Đây là hoạt động giúp các em tiếp cận được những thành tựu khoa
học - công nghệ tiên tiến. Điều đó sẽ tạo cho các em sự say mê, tìm tòi, kích
thích học tập tốt hơn. Những hoạt động này có thể là sưu tầm những bài toán
vui, tham gia sinh hoạt CLB khoa học, tìm hiểu các danh nhân, các nhà bác học…
Đây là một hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các em làm quen với việc nghiên cứu
khoa học và tự khẳng định mình. Có thể nói đây là hoạt động mà các nhà trường
ít chú trọng tới - ít chú trọng không phải là do không hiểu hết tầm quan trọng
của nó mà là do điều kiện không cho phép. Đó là điều kiện về cơ chế, về thời
gian, về năng lực của đội ngũ giáo viên tổng phụ trách…
Tóm lại, HĐNGLL có ý
nghĩa hết sức to lớn đối với việc hình thành KNS cho HS. Do đó, các nhà quản lý
giáo dục cần tạo mọi điều kiện thật tốt cho những giáo viên phụ trách công tác
này để sao cho việc rèn luyện KNS cho HS đạt được hiệu quả cao nhất.
Theo vietbao.vn