“Bản làng yêu ơi em rời phố thị
Vượt núi băng rừng cõng cái chữ lên non
Dậu nắng mưa hay mùa đông giá lạnh
Cùng các em thơ vượt núi đến trường”
Tôi vẫn hay đùa với cô giáo, chị đồng nghiệp của tôi rằng, bài hát “Em là cô giáo vùng cao” kia là dành cho chị đó! Chị cười, nụ cười thật hiền hậu và đáng yêu biết bao!
Cô giáo Ngô Thị Thịnh, sinh năm 1972 tại quê lúa Thái Bình. Chị kể, thời ấy gia đình chị còn nhiều khó khăn nhưng với truyền thống hiếu học, bố mẹ chị quyết tâm cho chị theo học ngành sư phạm Tiểu học, bởi bố chị bảo: Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Sau khi vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể theo đuổi ước mơ chinh phục kiến thức, tốt nghiệp ra trường, chị lại có một khao khát, mang con chữ, đem văn minh mới tới đồng bào vùng cao Hà Giang, nơi mà một lần chị được đi thực tế cùng bạn bè trường sư phạm. Được sự đồng tình, ủng hộ của cha mẹ, năm 1997, chị chính thức nhận công tác tại trường PTCS cấp I+II xã Thuận Hoà, Vị Xuyên, Hà Giang.
Không điện, không nước, không sóng điện thoại, thậm chí thiếu cả đường đi, chị vẫn kiên trì bám trụ. Hình ảnh những đứa trẻ đến trường không có dép, không có áo ấm vào mùa đông, thiếu sách vở, đồ dùng học tập… luôn thường trực trong tâm trí, thôi thúc chị không ngừng nỗ lực. Trong những buổi lên lớp, nhìn những đôi chân trần, những manh áo mỏng của các em trong cái lạnh giá của vùng cao, chị xúc động lắm. Chị tự hứa với mình, sẽ cố gắng hết sức có thể để giúp các em vượt khó vươn lên trong học tập, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn...
Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên tiểu học phải có là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì… Bởi lẽ, học sinh ở lứa tuổi tiểu học các con còn nhỏ, hiếu động, tinh nghịch và chưa tập trung được lâu. Đối với học sinh vùng núi lại càng khó khăn bởi sự nhận thức, tiếp thu bài chậm hơn so với học sinh dưới xuôi rất nhiều.
Với nhiệt huyết, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, trong quá trình công tác, chị Thịnh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được phân công. Chị được đồng nghiệp đánh giá là một trong những cán bộ đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo phương pháp giáo dục, quản lý mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho nhà trường. Năm 1999, chị được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch công đoàn trường Tiểu học Phong Quang, Vị Xuyên, Hà Giang.
Chị đã luôn luôn không ngừng cố gắng, học tập và rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2000, chị được phòng GD&ĐT huyện Vị Xuyên tín nhiệm cử đi tham gia khoá đào tạo cán bộ quản lý ở Học viện cán bộ quản lý GD&ĐT tại Hà Nội. Sau ba năm miệt mài đèn sách, chị mang về vùng cao yêu dấu tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi và vốn kiến thức phong phú. Là một người giỏi về chuyên môn, lại có phong thái của một nhà lãnh đạo, biết quan sát, biết lắng nghe và không ngừng học hỏi, bởi vậy đến năm 2003 chị tiếp tục được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Cho dù ở bất kì cương vị nào, là người giáo viên trực tiếp giảng dạy hay làm cán bộ quản lý thì chị vẫn thể hiện là một người có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, không ngừng học tập, phấn đấu và rèn luyện để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Năm 2009, chị quyết định về xuôi, công tác tại trường Tiểu học Dương Hà, Gia Lâm, Hà Nội mang theo những tình cảm thân thương của các học trò vùng cao bởi cha mẹ chị giờ cũng đã già yếu, cần chị bên cạnh chăm sóc đỡ đần. Chị tâm sự, quyết định rời mảnh đất Hà Giang với chị thật khó khăn, thời gian đầu về đây, chị nhớ thương các con học sinh còn vất vả, nhớ các đồng nghiệp mà chị gắn bó cũng đã hơn chục năm, quãng thời gian thanh xuân của chị gắn với con em học sinh dân tộc thiểu số, chị sẽ mãi mãi không bao giờ quên được.
Về trường Tiểu học Ngô Gia Tự năm 2015, chị đã gắn bó với gần chục thế hệ học sinh lớp 3, trong những năm giảng dạy của mình ở mái trường Tiểu học Ngô Gia Tự chị luôn truyền đạt những kinh nghiệm kiến thức của mình cho các con học sinh bằng cả trái tim, cả tấm lòng, hết mực quan tâm, yêu thương học trò. Chị luôn kiên trì, nhẫn nại tìm tòi phương pháp mới sinh động có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho học sinh hiểu bài và tiếp thu một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Với trăn trở suy nghĩ làm sao hình ảnh người thầy mẫu mực trong mắt học trò là vô cùng quan trọng, chị luôn ý thức nhắc nhở bản thân phải chuẩn mực gương mẫu, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Từ đó chị mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô đi trước, tích cực tham gia các cuộc thao giảng dự giờ đồng nghiệp để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, luôn không ngừng học hỏi để nâng cao chuyên môn, nghiên cứu tìm tòi sáng tạo để có những bài giảng tiết dạy lí thú. Chị đã có rất nhiều những thành tích cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo. Nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp Quận, huyện, đạt danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở - GVCN giỏi cấp huyện và có nhiều sáng kiến đạt giải B cấp huyện.
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với học sinh lớp 3. Chị Thịnh được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ là giáo viên chủ nhiệm lớp 3A3. Đối với việc thay đổi sách giáo khoa mới là một thách thức không nhỏ đối với bất cứ giáo viên giảng dạy khối 3. Dù vậy, vì mong muốn mình có thể là người người truyền cảm hứng để học sinh được bộc lộ, phát huy khả năng, sở trường, thế mạnh của mình, chị đã tích cực nghiên cứu chương trình sách giáo khoa 2018, phối kết hợp cùng Ban giám hiệu, các chị em trong tổ chuyên môn khối 3, nghiên cứu các phương pháp dạy học mới, đặc biệt là dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với chương trình sách giáo khoa mới, nghiên cứu và thực hiện tốt văn bản số 27/2020/TT- BGD ĐT ngày 4/9/2020. Dù không còn trẻ nhưng tinh thần ham học hỏi của chị rất đáng nể. Chị học ngoại ngữ, vi tính để có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy được tốt hơn. Chị còn là người luôn hòa đồng, lắng nghe góp ý từ các đồng nghiệp, mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực trong đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Việc làm của cô đã khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn.
Trong suốt quá trình công tác và giảng dạy tại trường tôi, chị được bạn bè, đồng nghiệp yêu mến, tôn trọng, được học sinh và phụ huynh kính trọng, tin yêu. Trong công tác chủ nhiệm, cô giáo Thịnh luôn quan tâm đến mọi đối tượng học sinh, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chị đã nhận đỡ đầu những học sinh khó khăn để giúp các em cố gắng vươn lên trong học tập, chị luôn dành cho các em những tình cảm đặc biệt nhất, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của học sinh, chị luôn gần gũi, thương yêu, quan tâm, giúp đỡ và chỉ bảo cho các em từng bước trên con đường học tập. Chị luôn lắng nghe và đáp ứng những tâm tư, nguyện vọng của học sinh, thẳng thắn chỉ ra những điều sai trái và hướng dẫn các em khắc phục những nhược điểm của mình. Bằng tấm lòng, tình cảm chân thành của mình, chị đã để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng biết bao thế hệ học sinh.
Ai đó đã từng nói: “Một thầy giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác.” Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi và các đồng nghiệp trong trường lại nghĩ đến người đồng nghiệp thân thương của mình. Đối với tôi chị Thịnh không chỉ là một người chị, người bạn mà còn là một tấm gương để bản thân học tập, rèn luyện, để cống hiến nhiều hơn cho mái trường Tiểu học Ngô Gia Tự thân thương này!