HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM CHO HỌC SINH TIỂU HỌC NHƯ THẾ NÀO?
(Theo BigSchool)
Từ khi có Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì thuật ngữ "hoạt động trải nghiệm" được bàn luận khá nhiều. Theo dự thảo mới nhất ngày 21/7/2017, hoạt động trải nghiệm là hoạt động bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.
Nội dung của hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học
Nội dung cơ bản của chương trình Hoạt động trải nghiệm xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh với bản thân; giữa học sinh với người khác, cộng đồng và xã hội; giữa học sinh với môi trường; giữa học sinh với nghề nghiệp. Nội dung này được triển khai qua 4 nhóm hoạt động chính:
- Hoạt động phát triển cá nhân;
- Hoạt động lao động;
- Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng;
- Hoạt động hướng nghiệp.
Đối với bậc tiểu học, nội dung hoạt động tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, các kỹ năng sống, kỹ năng quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, các hoạt động lao động, hoạt động xã hội và làm quen với một số nghề gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện.
Những trải nghiệm luôn gắn với cuộc sống
Ở tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm.
Ai thực hiện chương trình hoạt động trải nghiệm?
Hoạt động trải nghiệm trên thực tế đã từng tồn tại rất lâu trước đó trong các môn giáo khoa và các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt tập thể ở trường học.
Giáo viên và học sinh đã tiến hành các hoạt động đó mà không ý thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò của nó đối với sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của con người.
Theo dự thảo, giáo viên phụ trách hoạt động ngoài giờ lên lớp hiện nay sẽ chuyển sang phụ trách hoạt động trải nghiệm. Hoạt động ngoài giờ lên lớp hiện nay đang giao cho giáo viên chủ nhiệm đảm trách. Nếu nói như các nhà soạn thảo chương trình, thì đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cũng là những người sẽ phải lo tổ chức hoạt động trải nghiệm (trừ phần trải nghiệm nằm trong từng môn học).
Như vậy, nếu không được hiểu rõ, không được chuẩn bị, không có cơ chế hợp lý để đội ngũ này tiếp quản nhiệm vụ thì có thể nhìn thấy trước hoạt động trải nghiệm đề ra trong dự thảo cũng sẽ chỉ là phiên bản của hoạt động ngoài giờ lên lớp được thực hiện cầm chừng, hình thức. Nhất là khi khối lượng công việc hiện nay dồn lên giáo viên chủ nhiệm vốn đã quá nặng nề.
Có những trải nghiệm liên quan tới các đồ dùng hàng ngày
Những khó khăn khi triển khai hoạt động trải nghiệm
- Kinh phí
Bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, cho rằng, nếu Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một môn học độc lập thì cần phải có kinh phí để tổ chức các hoạt động cho học sinh.
“Kinh phí cho việc tổ chức sẽ được tính toán như thế nào? Các trường tư thục thì có thể huy động phụ huynh đóng góp, nhưng với trường công lập, huy động các nguồn xã hội hóa hiện gặp rất nhiều khó khăn”, bà Tịnh trăn trở.
Về những băn khoăn này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, hiện tại theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi tháng học sinh các trường đều có 4 tiết hoạt động tập thể. “Đây chính là khung giờ thay thế bởi môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bộ GD&ĐT sẽ nêu khung giờ nhất định cho môn học và gợi ý nội dung môn học để giáo viên dễ hình dung thực hiện”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.
- Nội dung
Theo bà Phạm Thị Minh An, Hiệu trưởng THPT Olympia, mặc dù dự thảo chương trình phổ thông mới có định nghĩa về môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhưng giáo viên vẫn chưa hình dung hết về môn học mới này.
"Dự thảo chương trình phân bổ mỗi tuần học 3 tiết môn này, nhưng chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ học sinh sẽ được học những gì. Bởi nếu nói về sáng tạo và trải nghiệm thì bất cứ môn học nào cũng cần 2 yếu tố đó”, bà Minh An nêu quan điểm.
Nữ hiệu trưởng này cho rằng, thay vì là một môn học độc lập, riêng biệt, chương trình mới nên xem đây là một phương pháp học và trải đều vào các môn học khác. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu về chân dung học trò thế hệ mới có tư duy, kỹ năng và sáng tạo.
Trải nghiệm liên quan tới các phương tiện giao thông
Một giải pháp cụ thể cho hoạt động trải nghiệm ở tiểu học
Trong chương trình mới, vai trò của hoạt động trải nghiệm sẽ được nhấn mạnh dưới góc độ phát triển phẩm chất, năng lực của người học, vì vậy, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm phù hợp rất quan trọng.
Đáp ứng nhu cầu của các trường tiểu học, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã cho ra mắt bộ sách “Hoạt động trải nghiệm” dành cho học sinh tiểu học.
Đây là bộ sách gồm 10 quyển (mỗi lớp 2 quyển) giúp học sinh khám phá, cảm nhận những điều mới mẻ và thú vị trong cuộc sống xung quanh. Bộ sách được biên soạn theo định hướng xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ sách này không viết dưới dạng một tài liệu với các nội dung cần giảng dạy mà là một hệ thống các hoạt động trải nghiệm sẽ tạo thành một cuộc hành trình. Đây là cuộc hành trình khởi đầu bằng việc năm bạn học sinh (Vũ Minh Long, Trần Hoài Nam, Nguyễn Trà My, Bùi Thị Khánh Vân, Lê Minh Hà) bước vào ngôi trường tiểu học có tên “Trường Tiểu học Hoà Bình”.
Nhà giáo Nguyễn Quốc Vương chủ biên bộ sách đang chia sẻ với các thầy cô
Đây là một cuộc hành trình với nhiều điều mới lạ và những kỉ niệm vui. Mỗi một chủ đề, hoạt động trải nghiệm trong cuốn sách sẽ giống như một “bước chân” đầy tự tin và háo hức trên con đường học trò.
Học sinh "hành trình" theo các trang sách như đi theo một câu chuyện hấp dẫn và có thể tự ghi ra những thu hoạch cần thiết cho cá nhân.
5 bạn học sinh - 5 nhân vật dẫn chuyện xuyên suốt bộ sách với những lời nói, hoạt động có tính chất như là một sự gợi mở, đồng thời cũng là đầu mối cung cấp thông tin cho giáo viên và học sinh trong quá trình tiến hành các hoạt động trải nghiệm. Sự xuất hiện của 5 bạn học sinh xuyên suốt cuốn sách giúp tạo ra không khí đối thoại giữa học sinh và những trang sách, kích thích các em có động lực học tập và trải nghiệm.
Điểm nhấn khác, các bức ảnh, tranh vẽ trong sách không chỉ đơn giản là hình ảnh minh hoạ mà còn là đầu mối cung cấp thông tin quan trọng. Các hình ảnh này, trong nhiều trường hợp, sẽ không phải là sự minh hoạ đơn giản phần lời trong sách mà sẽ cung cấp các thông tin mới không có trong phần lời để học sinh và giáo viên khai thác phục vụ trải nghiệm.
Giáo viên cần lưu ý đặc điểm này để có biện pháp sử dụng cho thích hợp nhằm phát huy năng lực quan sát, óc tưởng tượng và sáng tạo của học sinh.
Một nội dung và cách trình bày của bộ sách
Bên cạnh đó, các chủ đề học tập trong sách được thiết kế và sắp xếp theo một trật tự logic nhất định. Các tác giả đã cố gắng sắp xếp sao cho các chủ đề mở rộng theo “vòng tròn đồng tâm khuếch tán”, lấy bản thân học sinh làm điểm xuất phát để mở rộng ra các chủ đề khác như gia đình, khu phố, làng nơi học sinh sống, ngôi trường nơi học sinh học rồi đến đất nước và thế giới.
Các hoạt động trải nghiệm trong sách được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó và tạo cơ hội cho học sinh sử dụng các giác quan để trải nghiệm, thu thập thông tin.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT tổng thể, phát biểu trên Giáo dục Việt Nam, thì đây là một tài liệu tham khảo cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Bởi "Hoạt động trải nghiệm" không phải là môn học mà là một hoạt động giáo dục. Do đó, sẽ không có sách giáo khoa (dành cho học sinh) mà chỉ có tài liệu hướng dẫn giáo viên tổ chức hoạt động này. Từ một vài năm nay, để chuẩn bị cho giáo viên làm quen dần với tinh thần của chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn giáo viên thực hiện một số chủ đề tích hợp, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp theo phương pháp mới,…Đó có thể là nguồn cảm hứng để một số tác giả viết bộ sách tham khảo này.
TS. Lê Thống Nhất chúc mừng chủ biên của bộ sách
Theo TS. Lê Thống Nhất: "Việc ra đời bộ sách này là một gợi ý nhưng khá cụ thể để các thầy cô dạy ở tiểu học hình dung ra những nội dung và cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Mặt khác, các em học sinh có thể được thu hút theo hành trình trải nghiệm của 5 bạn học sinh suốt 5 năm học tiểu học để có cho bản thân những kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cần thiết đối với lứa tuổi này". Ông cũng cho rằng, bộ sách dành cho học sinh được viết theo cách này như một câu chuyện tranh là phù hợp với tinh thần "Chơi mà học" nên sẽ mang lại hứng thú cho học sinh.
Bìa của các cuốn sách thuộc bộ sách "Hoạt động trải nghiệm".
Theo ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm: "Chúng tôi hi vọng bộ sách “Hoạt động trải nghiệm” sẽ góp phần hiện thực hoá cho chủ trương về hoạt động trải nghiệm trong Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể mới được thông qua và đưa đời sống trường học gần hơn với đời sống xã hội".
Ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc NXB Đại học Sư phạm