Năm nào cũng vậy, vào ngày giỗ cụ các em học sinh, Ban Giám Hiệu và toàn thể giáo viên trường Tiểu học Ngô Gia Tự lại nô nức trở về Bắc Ninh thắp nén nhang để bày tỏ lòng biết ơn cụ. Năm học 2021-2022 do tình hình dịch bệnh căng thẳng nên các em học sinh và tập thể giáo viên không thể về đông đủ.
Chân dung cụ Ngô Gia Tự
Một số hình ảnh trong chuyến đi về thăm cụ
BGH và giáo viên trường TH Ngô Gia Tự
Cụ Ngô Gia Tự người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người sáng lập Đảng ta, người chiến sĩ Cộng sản lỗi lạc của Đảng, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh.
Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3-12-1908 tại làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình nông dân lao động. Thân phụ đồng chí Ngô Gia Tự là ông Ngô Gia Du (nhân dân thường gọi là cụ Đồ Du) sau khi thi hỏng tam trường, Cụ mở lớp dạy học tại quê và tích cực hoạt động trong phong trào Đông kinh nghĩa thục. Mẹ của đồng chí là bà Nguyễn Thị Bảy, tính tình hiền dịu, nhân hậu, cần mẫn, siêng năng.
Tấm gương học giỏi và học tập không ngừng
Năm 1914, khi lên 6 tuổi, Ngô Gia Tự được gia đình cho đi học chữ Nho tại trường làng; năm 1916, Ngô Gia Tự được cha cho đi học chữ quốc ngữ tại trường phủ Từ Sơn. Trong ba năm học tại trường (1916-1919), Ngô Gia Tự luôn đạt điểm cao trong học tập, là học sinh giỏi, ngoan được thầy yêu, bạn mến.
Năm 1919, tốt nghiệp trường phủ Từ Sơn, Ngô Gia Tự được gia đình cho đi học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt tại tỉnh lỵ Bắc Ninh. Năm 1922, tốt nghiệp Trường tiểu học Pháp - Việt với điểm giỏi, Ngô Gia Tự tiếp tục được cha cho ra Hà Nội thi vào Trường Bưởi và trúng tuyển với điểm số cao. Thời gian học tại trường Bưởi, Ngô Gia Tự luôn là học sinh giỏi và giỏi đều các môn, được bạn bè, thầy cô quý mến. Trong thời gian học tập tại trường, Ngô Gia Tự được tiếp xúc với nhiều nhà giáo yêu nước. Đồng thời, là người ham hiểu biết, ngoài giờ học, Ngô Gia Tự thường đến thư viện tìm đọc các loại sách báo, các tác phẩm văn học tiêu biểu của các nhà văn Pháp như Raxin, Môlie, Huygô, Ban dắc...; bí mật tìm đọc các sách báo cách mạng, đặc biệt là báo Người cùng khổ, tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc...Qua đó, nhận thức về cách mạng và tinh thần đấu tranh chống áp bức dân tộc được bồi đắp thêm.
Cuối năm 1926, Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1927, Ngô Gia Tự được Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ cử đi dự lớp huấn luyện chính trị tại Bản Đáy (Trung Quốc).
Trở về từ lớp huấn luyện, Ngô Gia Tự đã tích cực hoạt động và trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1928 - 1930 với cương vị Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh, Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ (1928), Ủy viên Trung ương của Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929), Bí thư Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Nam Kỳ (1930).
Cuối năm 1930, Ngô Gia Tự bị địch bắt tại Sài Gòn. Thực dân Pháp giải đồng chí từ Nam Kỳ ra Bắc Kỳ để xét xử. Ban đầu đồng chí bị giam tại Hỏa Lò, Hà Nội, sau đó bị đày ra Côn Đảo.
Tại địa ngục trần gian Côn Đảo, tinh thần ham học hỏi của đồng chí Ngô Gia Tự vẫn không hề bị đòn roi, tra tấn của kẻ thù vùi dập. Đồng chí đã cùng các bạn tù - những chiến sỹ cộng sản “biến ngục tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Ngô Gia Tự thường nói với anh em: “Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thì giờ. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”(1).
Ngô Gia Tự đã tham gia tổ chức cho anh em học tập, nghiên cứu những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, phương pháp cách mạng; nghiên cứu những đặc điểm của giai cấp trong xã hội Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm về đường lối lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, đồng chí còn thường xuyên viết bài cho tờ Ý kiến chung - tạp chí lý luận của Đảng bộ nhà tù và báo Tiến lên, cơ quan tuyên truyền của Hội Cứu tế tù nhân Côn Đảo.
Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là sự đàn áp dã man của chế độ lao tù thực dân, Ngô Gia Tự đã cùng các bạn tù của mình luôn nêu tấm gương sáng về tinh thần học tập. Học tập văn hóa qua chính trị. Càng tiến bộ về chính trị thì càng tiến bộ về văn hóa. Học cách xử thế, học để đoàn kết, học để đấu tranh.
Kết thúc chuyến thăm, một lần nữa chúng tôi được ôn lại lịch sử chiến đấu kiên cường của cụ.Tập thể giáo viên ai nấy cũng đều cảm thấy thán phục và đầy tự hào khi được công tác tại ngôi trường mang tên đồng chí Ngô Gia Tự. Đó cũng là động lực để thầy và trò trong trường tiếp tục vươn lên gặt hái thật nhiều “trái ngọt” hơn trong những năm học tới, cùng góp phần tô thắm truyền thống hiếu học của cụ - nhà cách mạng tiền bối, chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng và nhân dân Việt Nam.